
Nữ tiến sĩ 9X ngành Y sinh rạng danh ở trời Tây
Có 13 bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế uy tín, bằng độc quyền sáng chế về miếng dán vi kim dùng cho thuốc hoặc vắc-xin, và các giải thưởng nghiên cứu, nữ tiến sĩ Trần Thị Mỹ Khánh (SN 1993, quê ở TPHCM, hiện đang tiếp tục nghiên cứu sau tiến sĩ tại Học viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ) đã trả lời cho thắc mắc chung của nhiều người: “Con gái có làm khoa học được không?”.
Lớn lên trong gia đình không khá giả, Mỹ Khánh đã nhiều lần đắn đo lựa chọn đi những con đường học vấn phù hợp nhất với hoàn cảnh và luôn nỗ lực để giúp đỡ cho gia đình mình. Sau khi tốt nghiệp khoa Kỹ thuật Y Sinh, Trường Đại học Quốc tế, ĐHQG HCM, cô liều lĩnh nộp hồ sơ xin học bổng nghiên cứu sinh ở Mỹ. Ngoài việc đáp ứng các tiêu chí về học thuật, trước đó, Mỹ Khánh cũng tận dụng mọi cơ hội để tạo cho mình hồ sơ cá nhân ấn tượng như 3 lần liên tiếp đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” của Trung ương Hội sinh viên, nhỏ hơn là cấp trường, cấp thành phố.
Năm 2017, Mỹ Khánh chính thức nhận học bổng nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Bang Connecticut, Hoa Kỳ. Tại đây, cô tiếp tục phát triển hướng nghiên cứu về microneedle patches (miếng dán vi kim) cho thuốc và vắc-xin. Đây là nghiên cứu kết hợp giữa kỹ thuật (cách chế tạo vi kim), ngành dược (vắc-xin), và y học (thí nghiệm hiệu quả thuốc trên sinh vật). Trải qua vài năm “mất ăn, mất ngủ”, nghiên cứu về miếng dán vi kim của nữ tiến sĩ đã được công nhận độc quyền sáng chế vì có tính thực tiễn và mang lại giá trị cho cộng đồng.
“Miếng dán này không gây đau, và chỉ cần một lần tiêm chủng duy nhất. Do đó, có thể thay thế phương pháp tiêm chủng truyền thống (tiêm nhiều mũi), giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho quá trình tiêm chủng, phù hợp với những vùng sâu vùng xa, và các nước đang phát triển như Việt Nam”, TS. Mỹ Khánh cho biết.
Đánh giá về sáng chế này, PGS. TS Nguyễn Đức Thành (công tác tại khoa Kỹ thuật Y Sinh, Đại học Connecticut, Hoa Kỳ) – người trực tiếp hướng dẫn TS. Mỹ Khánh nhận định, đây là một sáng chế mang tính đột phá trong quá trình tiêm chủng vắc-xin.
Ông giải thích thêm: “Miếng dán vi kim chỉ cần dán trên da và có thể bảo quản vắc xin ở nhiệt độ cao trong một khoảng thời gian dài. Nó cũng được lập trình để thay cho các mũi tiêm nhắc lại trong quá trình tiêm chủng thông thường”.
Bên cạnh thành tựu nghiên cứu nổi bật trên, nữ tiến sĩ Việt có cơ hội trực tiếp báo cáo, thảo luận, đề xuất hướng nghiên cứu ở Hội nghị Quốc tế. Vì vậy, Mỹ Khánh luôn nỗ lực thể hiện mình và kiến tạo thêm nhiều khoảnh khắc thành công để làm minh chứng tốt nhất cho việc phụ nữ có thể rạng danh trong ngành kĩ thuật nói riêng và nghiên cứu khoa học trên các lĩnh vực nói chung.
Đằng sau ánh hào quang của những phát hiện mới, nữ tiến sĩ trẻ thừa nhận phải đánh đổi và hy sinh thời gian chăm sóc sức khỏe bản thân, gia đình. “Việc cân bằng giữa cuộc sống và công việc nghiên cứu luôn là thách thức lớn với tôi. Có những lúc tôi cảm thấy mệt mỏi, mất nhiều thời gian cho công việc, vào phòng thí nghiệm mà không tìm được kết quả tốt… Nhưng, tôi luôn tự động viên bản thân bằng cách nghĩ, thất bại để lấy động lực tìm câu trả lời thuyết phục hơn”, Mỹ Khánh bày tỏ.
Hiện tại, nữ tiến sĩ Việt tiếp tục nghiên cứu và chế tạo những sản phẩm sinh học giải quyết các vấn đề sức khỏe toàn cầu như phương pháp xét nghiệm, chẩn đoán nhanh tại chỗ, cách bảo quản các chế phẩm sinh học, thiết bị đưa thuốc tự tiêu trong cơ thể.
Được biết, sau khi tích lũy đủ “vốn” nghiên cứu ở nước ngoài, Mỹ Khánh sẽ trở về Việt Nam hoặc hợp tác với các nhóm nghiên cứu và phòng thí nghiệm trong nước để phát triển nghiên cứu, quy trình sản xuất hiện tại ở Việt Nam. Qua đó, cô mong những sản phẩm “Made in Vietnam” sẽ được nâng tầm và được thế giới biết đến nhiều hơn nữa.